Ca sĩ Đức Tuấn đứng, ngồi trên nóc nhà cổ Hội An là hành vi vi phạm pháp luật?
Vấn đề đặt ra:
Vừa qua, ca sĩ Đức Tuấn đăng tải bộ ảnh với tựa đề “Hội An – Phố cổ huyền thoại” lên trang Facebook cá nhân với hơn 30 tấm ảnh và trong đó có rất nhiều tấm ca sĩ Đức Tuấn đang đứng, ngồi trên nóc nhà phố cổ Hội An.
Trước sự việc trên, nhiều người bày tỏ sự bất bình, cho rằng đây là hành vi thiếu ý thức, thiếu tôn trọng văn hóa và vi phạm pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Đào Thị Bích Liên, thuộc Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết hành vi của ca sĩ Đức Tuấn không những gây phản cảm, bức xúc cho dư luận mà còn vi phạm pháp luật về Luật di sản văn hoá.
Cụ thể, di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.
Mục đích sử dụng di sản văn hóa nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa vì lợi ích của toàn xã hội, phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Với hành vi trên, tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm sẽ xử lý hành chính đối với ca sĩ Đức Tuấn và cả chủ căn nhà nếu cho phép Đức Tuấn trèo lên nóc nhà chụp ảnh theo Luật di sản văn hoá.
Tại khoản 3 Điều 1 Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009 và Điều 13 Luật di sản văn hóa 2001 quy định nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các một trong các hành vi sau đây:
+ Chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh.
+ Huỷ hoại hoặc gây nguy cơ huỷ hoại di sản văn hoá.
Mức phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa được quy định tại Điều 20 Nghị định 38/2021, cụ thể:
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tuyên truyền, giới thiệu sai lệch nội dung, giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của hành vi sẽ bị xử lý với mức phạt tương đương. Theo đó, hành vi vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa có thể lên đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.